Vai trò của Lãnh đạo trong phát triển văn hóa Doanh nghiệp
“ Phát triển văn hóa Doanh nghiệp đang là một trong những quan tâm hàng đầu của các nhà nghiên cứu trong lĩnh vực Quản trị kinh doanh cũng như các nhà Quản lý Doanh nghiệp. Từ các kết quả nghiên cứu cũng như các dự án tư vấn quản lý, bài viết này nhằm trả lời các câu hỏi: Tại sao phải phát triển văn hóa Doanh nghiệp? Bản chất của văn hóa Doanh nghiệp là gì? Nhà Lãnh đạo đóng vai trò gì trong quá trình phát triển văn hóa Doanh nghiệp? và những hạn chế cần tránh của Lãnh đạo trong phát triển văn hóa Doanh nghiệp của Việt Nam.”
1. Tại sao phải phát triển văn hóa Doanh nghiệp?
Bởi vì, xây dựng và phát triển thành công văn hóa Doanh nghiệp sẽ đem lại những lợi thế to lớn cho Doanh nghiệp như sau:
- Thứ nhất, bản sắc văn hóa Doanh nghiệp là động lực quan trọng của Doanh nghiệp trong quá trình tạo dựng niềm tin, uy tín đối với khách hàng và thị trường . Khách hàng có thể biết thông tin về Doanh nghiệp qua truyền thông, PR, quảng cáo nhưng chỉ có đội ngũ con người hay văn hóa Doanh nghiệp mới tạo nên cảm nhận mạnh mẽ về thương hiệu.
- Thứ hai, văn hóa Doanh nghiệp là thanh nam châm, giúp Doanh nghiệp thu hút và duy trì đội ngũ nhân sự tài năng. Nhân viên có cá tính chỉ thích làm việc trong môi trường phù hợp với tính cách của họ.Như vậy văn hóa Doanh nghiệp là động lực cho hoạt động quản trị nguồn nhân lực của Doanh nghiệp trong việc thu hút, sử dụng, phát triển, và duy trì đội ngũ nhân viên tài năng, nhằm hiện thực hóa thành công các mục tiêu chiến lược của Doanh nghiệp.
- Thứ ba, văn hóa Doanh nghiệp sẽ xác lập bộ gien để Doanh nghiệp phát triển trường tồn.Sự lớn lên về qui mô của các Doanh nghiệp sẽ tạo nên rủi ro đổ vỡ, khi quá trình phát triển đó không dựa trên các chuẩn mực và trên nền sự đồng nhất về nhận thức và hành vi.
Như vậy văn hóa Doanh nghiệp là môi trường và động lực để mọi thành viên trong tổ chức gắn kết, cùng nhau thực hiện mục tiêu chiến lược của tổ chức. Qua đó, văn hóa Doanh nghiệp sẽ làm gia tăng vị thế cạnh tranh của Doanh nghiệp thông qua việc tạo dựng dấu ấn của Doanh nghiệp trong tâm trí khách hàng và xã hội, là nền tảng để Doanh nghiệp phát triển bền vững.
2. Bản chất của văn hóa Doanh nghiệp
Theo Edgar H.Schein( 2004) , văn hóa Doanh nghiệp là tập hợp các giá trị, chuẩn mực và niểm tin căn bản được tích lũy trong quá trình Doanh nghiệp tương tác với môi trường bên ngoài và hòa nhập trong môi trường bên trong, giá trị và chuẩn mực này đã được xác lập qua thời gian, được truyền đạt cho những thành viên mới như một cách thức đúng để tiếp cận, tư duy và định hướng giải quyết những vấn đề học gặp phải.
Hai con đường hình thành nên văn hóa Doanh nghiệp là quá trình hội nhập diễn ra bên trong tổ chức, và quá trình tương tác với bên ngoài tổ chức.
Văn hóa Doanh nghiệp là một hệ thống hữu cơ các giá trị vật chất và tinh thần do con người trong Doanh nghiệp tạo dựng và tích lũy qua quá trình hoạt động thực tiễn, trong sự tương tác giữa các cá nhân với môi trường tác nghiệp.
3. Phát triển văn hóa Doanh nghiệp và vai trò của lãnh đạo?
Trong quá trình hình thành và phát triển, văn hóa Doanh nghiệp chịu sự tác động của rất nhiều yếu tố. Schein( 2004) đã ví Lãnh đạo và văn hóa Doanh nghiệp gắn với nhau như hai mặt của đồng xu. Theo John Kotter, giáo sư hàng đầu về môn Lãnh đạo tại đại học Harvard, cũng cho rằng, Lãnh đạo, theo nghĩa rộng nhất, là tạo dựng văn hóa Doanh nghiệp, nhiệm vụ tối quan trọng của lãnh đạo là tạo dựng và củng cố văn hóa Doanh nghiệp.
Như vậy, Lãnh đạo Doanh nghiệp có vai trò then chốt trong việc xây dựng và phát triển văn hóa Doanh nghiệp. Vai trò đó được thể hiện như sau:
- Lãnh đạo tạo dựng nền tảng văn hóa Doanh nghiệp.
- Lãnh đạo hình thành , nuôi dưỡng môi trường và chuẩn mực văn hóa
- Tuyển chọn những người phù hợp với hệ giá trị văn hóa
- Lãnh đạo là tấm gương và động lực cho nhân viên
- Lãnh đạo là người thay đổi văn hóa Doanh nghiệp
4. Vai trò của Lãnh đạo trong thực tiễn phát triển văn hóa Doanh nghiệp ở Việt Nam
Thực tế trong quá trình phát triển Doanh nghiệp vừa qua, rất nhiều nhà Lãnh đạo Doanh nghiệp ở Việt Nam cũng đã trăn trở và quyết tâm tạo dựng và phát triển một văn hóa Doanh nghiệp mạnh, mang bản sắc riêng, thể hiện khát vọng và ý chí của nhà Lãnh đạo.
Qua các nghiên cứu và chương trình tư vấn ở Khoa Quản trị Kinh doanh, Đại học Kinh tế ĐHQGHN, chúng tôi nhận thấy một số hạn chế lãnh đạo Doanh nghiệp Việt Nam thường mắc phải trong quá trình phát triển văn hóa Doanh nghiệp, như sau:
Thứ nhất, Lãnh đạo Doanh nghiệp chưa thấu hiểu về bản chất của văn hóa Doanh nghiệp. Nhiều Lãnh đạo Doanh nghiệp vẫn quan niệm văn hóa Doanh nghiệp như là : Văn hóa giao tiếp ứng xử, đồng phục, khẩu hiệu, hay văn hóa văn nghệ. Cho nên, khi xây dựng văn hóa Doanh nghiệp, Doanh nghiệp chỉ dừng ở mức xây dựng quy chế giao tiếp, ứng xử nội bộ, chưa thấy tầng sâu của văn hóa phát triển thông qua quá trình quản trị, chính sách quản trị, và tương tác giữa con người với con người, trong đó nhà Lãnh đạo giữ vai trò trọng tâm.
Thứ hai, do thiếu kiến thức đầy đủ về văn hóa Doanh nghiệp nên nhiều Lãnh đạo còn nóng vội trong phát triển văn hóa Doanh nghiệp.
Thứ ba, Doanh nghiệp còn thiếu các chính sách Quản lý kinh doanh mang tính nền tảng làm bệ đỡ phát triển văn hóa Doanh nghiệp thông qua hai quá trình tương tác với môi trường bên ngoài và hội nhập trong môi trường nội bộ như là: chiến lược kinh doanh, hệ thống truyền thông, chính sách quản trị nguồn nhân lực. Bên cạnh đó, chính sách tuyển dụng tùy hứng và theo các yêu cầu ngắn hạn, không tính đến những phù hợp về văn hóa Doanh nghiệp cũng là một cản trở lớn trong quá trình phát triển văn hóa Doanh nghiệp.
Cuối cùng, do thiếu kỹ năng nhiều Lãnh đạo có xu hướng hạn chế tương tác với nhân viên, khó nêu gương tích cực cho cấp dưới. Chính bởi vậy, Lãnh đạo Doanh nghiệp có mong muốn phát triển văn hóa Doanh nghiệp, những không truyền được hình ảnh tích cực và động lực cho đội ngũ nhân viên.
Kỷ Yếu Ngày nhân sự Việt Nam - Vietnam HRDay
TS. Đỗ Tiến Long- Phó chủ nhiệm Bộ môn Văn hóa Doanh nghiệp, Khoa QTKD,
Trường Đại học Kinh tế- Đại học Kinh tế- Đại học Quốc gia Hà Nội
Khi cả tập thể đòi tăng lương
Trong khi một số công ty lớn đang tìm cách cắt giảm nhân sự để giảm bớt chi tiêu trong tình hình lạm phát thì những công ty nhỏ lại gặp khó khăn trong việc giữ chân nhân viên.
Cả tập thể đòi tăng lương...
Viettech được biết đến từ việc thành lập website học tiếng Anh Myworldvn.Com với số lượng lên đến 50.000 thành viên. Công ty trách nhiệm hữu hạn này có vốn đầu tư khoảng 8 tỉ đồng, ngoài việc duy trì hoạt động của trang web còn nhận gia công phần mềm từ các đối tác trong nước và nước ngoài.
Với 32 nhân viên, công ty này hiện đang điêu đứng vì vấn đề giữ người. Lý do cũng xoay quanh việc làm ăn lúc này quá khó khi khách hàng đòi giảm giá gia công, trang web học tiếng Anh thì ra đời với mục đích phục vụ cộng đồng, các hợp đồng quảng cáo trên web còn khá nhạt nhòa. Nguồn thu ít, nhưng nguồn chi thì không thể ít bởi giá cả hiện nay trên thị trường đang ở mức cao.
Ông Nguyễn Minh Trí, Chủ tịch hội đồng quản trị công ty, tâm sự: “Các cuộc họp gần đây đều xoay quanh vấn đề lương của nhân viên, không phải chỉ một hai cá nhân có đơn đề nghị tăng lương mà cả một tập thể, từ trưởng phòng kỹ thuật đến trưởng phòng kinh doanh đều đề nghị mức lương mới, không giải quyết cũng khó vì tuyển nhân viên mới bây giờ để làm cùng công việc đó thì phải đào tạo rất lâu, nhưng để tăng lương cho tất cả nhân viên thì quỹ lương công ty không thể kham nổi”.
“Chuyện đề nghị tăng lương còn có thể xem xét, có nhân viên tự nghỉ luôn, không quan tâm đến chế độ, chính sách gì, đó mới là khó, vì không thể tìm người thay thế ngay được. Từ tháng 4 đến giờ đã có 3 nhân viên kỹ thuật nghỉ ngang như thế”, ông Trí bức xúc.
Chị Bích Nga, một nhân viên kỹ thuật đã làm việc tại công ty này được 1 năm, là một trong số những nhân viên ít ỏi ở đây có “thâm niên” lâu như thế.
Chị cho biết chị rất thích công việc hiện tại và hiểu những khó khăn của công ty lúc này, nhưng chị cũng nói “bây giờ giá cả tăng cao quá, mức lương hiện tại không đủ chi trả cho những nhu cầu tiêu dùng hàng ngày thì thay đổi công việc là chuyện phải nghĩ đến”.
Trong khi nền kinh tế đang khó khăn, các công ty lớn với mức trả lương cao đã bắt đầu triển khai giảm lương, giảm thưởng nhưng nhân viên vẫn chấp nhận gắn bó. Nhưng doanh nghiệp nhỏ nếu tăng lương không thỏa đáng thì việc thay đổi nhân sự được xem như cơm bữa.
Steven S. Little, Chủ tịch của ba công ty có tốc độ tăng trưởng cao của Mỹ, cho rằng: “Vấn đề số một mà các chủ doanh nghiệp nhỏ phải đối mặt cũng giống như vấn đề của người thợ thủ công trước đây phải đối mặt là thuê một người thợ, tất cả chỉ là vấn đề con người, trước đây, bây giờ và sau này luôn luôn là như vậy”.
Vấn đề lao động là nan giải nhất
Chuyện các công ty nhỏ không giữ được người đã trở thành một điều tất yếu. Đơn giản là nhiều công ty với quy mô nhỏ, vốn ít, cách điều hành còn nhiều bất cập, mức độ cạnh tranh chưa cao, hướng phát triển còn xa, nhất là các công ty mới thành lập, vì thế khi công ty chưa phát triển thì việc tuyển chọn nhân tài còn nhiều khó khăn.
Doanh nghiệp gạo An Khang không nhỏ bởi vốn đầu tư lên đến 16 tỉ đồng, nhưng cũng không phải là lớn so với những công ty cùng ngành chế biến và xuất khẩu gạo. An Khang có 55 nhân viên đang làm việc tại TPHCM và Long An.
Sau khi Chính phủ ban hành quy định hạn chế xuất khẩu gạo, để tồn tại, công ty này phải đẩy mạnh bán hàng nội địa dù trước đó doanh thu nội địa chỉ bằng 20% doanh thu xuất khẩu. Khó khăn trong kinh doanh đã đành, công ty còn phải đối mặt với chuyện nhân sự thay đổi thường xuyên.
Tại An Khang, từ đầu năm đến giờ đã có 9 nhân viên xin nghỉ việc. Cho đến thời điểm hiện tại, công ty mới tuyển được 4 nhân viên, không đủ người nên có lúc giám đốc cũng làm luôn công việc của nhân viên, nhất là trong giai đoạn sốt gạo, người thì ít nhưng siêu thị nào cũng buộc phải giao gạo ngay để kịp thời hạ sốt.
Tuy là công ty nhỏ nhưng An Khang có chế độ đãi ngộ tốt như tổ chức nghỉ mát, tặng quà sinh nhật cho nhân viên, giám đốc thường xuyên gửi thư điện tử khen ngợi và khích lệ tinh thần làm việc của nhân viên, thưởng cho nhân viên xuất sắc vào cuối mỗi tháng… và mức lương cũng không thấp so với mức lương của các công ty lớn. Vậy mà “người muốn đi, vẫn đi”.
Giám đốc Nguyễn Trọng Duy than thở: “Đến lúc này thì tôi cũng không biết làm gì hơn để giữ nhân viên khi các lá đơn đều ghi rất rõ “nghỉ việc để chăm sóc con, nghỉ việc để đi du học... Không ai ghi là chuyển sang công ty khác, nhưng khi gặp lại thì nhân viên của mình đang làm việc cho những công ty lớn hơn”.
“Chúng tôi chủ yếu tuyển người mới ra trường, họ đòi mức lương thấp hơn và làm việc rất chịu khó, chỉ có điều chưa có kinh nghiệm nên chúng tôi phải đào tạo. Nhưng ngặt nỗi khi đào tạo xong, sử dụng chưa được bao lâu là nghỉ, đơn giản vì họ xem đây là bước đệm để chuẩn bị cho những bước nhảy khác cao hơn”, ông Duy nói.
Bên cạnh An Khang và Viettech, những công ty nhỏ khác cũng gặp những khó khăn tương tự. Dù trong thời gian kinh doanh gặp nhiều khó khăn như hiện nay, các doanh nghiệp vẫn ra sức tìm người. Và lẽ ra khi các công ty lớn cắt giảm nhân sự thì công ty nhỏ dễ tuyển người hơn nhưng nhân viên đã làm việc tại công ty lớn thì thường khó chấp nhận đầu quân cho công ty nhỏ.
Vậy nên bài toán thiếu lao động của doanh nghiệp nhỏ và thừa lao động của doanh nghiệp lớn vẫn không thể trung hòa.
Cho đến lúc này, khi đang phải đối mặt với hàng trăm thứ khó nhưng ông Trí vẫn khẳng định: “Vấn đề lao động là nan giải nhất, không có sức người thì sỏi đá vẫn vô tri mà thôi”.
Quantri.Vn
0 nhận xét:
Đăng nhận xét