Bi hài chuyện nhân viên đòi sếp tăng lương
Chỉ vì nôn nóng muốn được tăng lương mà không ít nhân viên sau đó đã bị sa thải.
Trong thời điểm bão giá, giá cả sinh hoạt ngày càng đắt đỏ, tiền bạc trong ví chưa đến cuối tháng đã rơi vào tình trạng báo động trong khi người lao động vẫn làm việc chăm chỉ, cống hiến hết mình cho công ty. Có những lúc họ cho rằng đồng lương nhận được chưa xứng đáng và cảm thấy khó chịu khi sếp không đả động đến chuyện tăng lương.
Nghĩ đến cuộc sống và quyền lợi của mình, nhiều người đã lấy hết can đảm đề nghị xin được tăng lương. Thế nhưng không phải trường hợp nào cũng được giải quyết thỏa đáng, nhiều người bị vướng vào những tình huống bi hài “dở khóc dở cười”.
Thanh Tùng (27 tuổi, Hà Nam) làm việc cho một công ty xây dựng tại Hà Nội với mức lương trung bình khoảng 5 triệu đồng/tháng. Anh nghĩ rằng, mình đã cống hiến hết mình cho công ty, ngoài nhận lương cơ bản, anh không có thêm khoản thu nào khác. Vì thế, sau 6 tháng làm việc Tùng mạnh dạn nghĩ đến việc đề nghị sếp tăng lương.
Đơn thân độc mã sếp sẽ không giải quyết, Tùng đã có những cuộc họp kín với vài đồng nghiệp khác, cùng họ bàn kế sách đề nghị tăng lương. Mọi người đều nhất trí gửi email cho sếp. Nghĩ mình có mối quan hệ thân thiết với sếp, Tùng tự đề cử mình đi gặp và nói chuyện trực tiếp với sếp về vấn đề này mà không cần những đồng nghiệp khác đi cùng.
Chiều cuối tuần, Tùng hẹn sếp ra quán cà phê quen gần công ty. Sau một hồi tán dóc những câu chuyện bên lề, Tùng đề đạt thẳng với sếp về chuyện tăng lương cho anh em trong cơ quan. Anh bạn đưa ra đủ thứ lý do để được sếp giải quyết cho nhanh chóng, như "Bọn em không có đồng lậu nào"; "So với các công ty khác thì lương của anh em thấp quá!"... Trong câu chuyện của 2 người, sếp tỏ ra rất thông cảm với hoàn cảnh của Tùng và hứa sẽ xử lý luôn trong cuộc họp đầu tuần.
Thấy sếp có vẻ hài lòng, Tùng cho rằng mọi chuyện đã xong xuôi, hí hửng nhắn tin rủ mọi người đi ăn mừng trước.
Đến buổi họp đầu tuần, khi sếp đưa ra quyết định riêng của mình, mọi người mới ngã ngửa. Sếp cho rằng, thời điểm hiện tại công ty khó khăn không đáp ứng được yêu cầu của nhân viên. Nếu ai cảm thấy làm việc cho công ty không được hưởng lương thỏa đáng có thể ra đi.
Còn với trường hợp của Tùng, sếp hiểu nhầm rằng, ý Tùng muốn chuyển sang một môi trường mới nên tìm các lý do để nghỉ việc. Trong buổi họp hôm đó, sếp quyết định cho Tùng nghỉ việc và trả thêm cho cậu thêm 1 tháng lương coi như để đền trả những cống hiến cho công ty cũng như là mối quan hệ thân tình giúp đỡ lẫn nhau.
Còn với trường hợp của Thảo - nhân viên của một công ty cổ phần sách tại Hà Nội cho biết, ban đầu, Thảo vào công ty làm việc chăm chỉ, hết mình với vị trí được tuyển dụng, Thảo bằng lòng với mức lương thỏa thuận giữa hai bên. Trong suốt một năm làm ở đây, chưa bao giờ Thảo nghĩ đến chuyện xin được tăng lương.
Thảo cho biết, mình làm được bao nhiêu thì hưởng như vậy! Với lại theo thỏa thuận tuyển dụng lúc đầu, nhân viên càng gắn bó lâu dài, càng nỗ lực cống hiến thì sẽ được tăng lương theo quy định của nhà nước và chế độ đãi ngộ riêng của công ty.
Nhưng sau hơn một năm làm việc tại đây, công ty vẫn không có chính sách tăng lương cho Thảo. Cô cho rằng, tần suất làm việc của mình gấp nhiều lần so với các đồng nghiệp cùng phòng nhưng cô không hề được tăng một đồng nào so với mức lương tối thiểu. Nghĩ đến quyền lợi của bản thân, Thảo tham khảo ý kiến của bạn bè làm cùng lĩnh vực ở nhiều đơn vị khác. Theo kinh nghiệm của tiền bối và bạn bè, mọi người khuyên cô đừng ngồi chờ sếp ra quyết định tăng lương mà phải chủ động đề xuất.
Sau nhiều lần suy nghĩ, Thảo quyết định nói chuyện với sếp về lương bổng.
Vốn là chuyện tế nhị, dù nhiều lần mặt đối mặt với sếp nhưng Thảo ái ngại không nói được. Một hôm, Thảo quyết định tấn công bất ngờ. Cuối giờ làm việc ngày thứ 6, Thảo gõ cửa vào phòng sếp đúng lúc sếp đang bực mình vì đối tác hủy bỏ hợp đồng. Do không biết chuyện, Thảo thẳng thắn đề nghị vấn đề của mình với sếp.
Chưa dứt lời, sếp mắng Thảo một trận tơi bời: “Mới chân ướt chân ráo vào làm đã đòi tăng lương, không biết tình hình công ty như thế nào mà đề với nghị...”. Bẽ mặt trước sếp, Thảo lầm lũi đi ra khỏi phòng.
Cuộc họp gần đó, sếp phê bình Thảo trước toàn thể công ty. Sếp cho rằng, Thảo tự ý làm những việc không đáng, gây ảnh hưởng đến các cá nhân khác. Còn về chuyện tăng lương, sếp không quyết định trong thời điểm công ty đang gặp khó. Mặt khác, sếp cho rằng, Thảo chưa đạt được những thành công trong công việc, chưa đủ sức thuyết phục để sếp ký quyết định tăng lương. Chỉ khi nào sếp cảm thấy đủ điều kiện, sẽ tự có thưởng cho từng người.
Sau lần đó, Thảo tuyệt nhiên không dám nhắc đến chuyện lương bổng với sếp.
Không chỉ với những người có kinh nghiệm trong công việc gặp những chuyện “dở khóc dở cười” khi đòi tăng lương. Hiện nay, tình trạng nhiều sinh viên mới ra trường, bắt đầu với môi trường làm việc mới, không nắm được mặt bằng chung giá lương của nhân viên tại Việt Nam, họ chấp nhận mức lương thấp do nhà tuyển dụng đưa ra. Nhưng sau một thời gian làm việc, thấy mức lương chưa được thỏa đáng, nhiều người đề bạt sếp tăng lương trong khi chưa chứng minh được thực lực của mình nên phải nhận những kết cục bi thương là bị sa thải.
Hoàng Hải là một trường hợp điển hình. Anh bạn bị sa thải ngay lập tức khi tờ đơn đề nghị nâng mức lương được đặt trên bàn sếp. Theo như lời Hải, lần đó, mới vào làm ở công ty được 3 tháng với mức lương hơn 3 triệu, thấy các đồng nghiệp đề nghi sếp nâng lương, Hải cũng soạn một bản thảo gửi cho sếp.
Ngày sếp gặp riêng từng người để nghe lý do, Hải đưa ra hàng tá chuyện quỵ lụy trước sếp mong được tăng lương. Và một trong những lý do để năn nỉ sếp tăng lương là "Không đủ chi tiêu hàng tháng"; "Cần tiền để gửi cho cha mẹ"....Dù sếp đã nghe rất thấu sự cầu xin của Hải nhưng xét thấy nhân viên của mình không đủ năng lực cho vị trí hiện tại và thiếu lòng tự trọng trước sếp nên ngay sau đó, Hải bị cho nghỉ việc không lý do.
Đòi sếp tăng lương trong thời kỳ lạm phát là cả một nghệ thuật. Để đảm bảo mức lương được cất nhắc lên một bậc mới mà không bị ảnh hưởng đến công việc và mối quan hệ với sếp là điều các nhân viên cần phải bàn tính kỹ trước khi đề nghị. Nếu không khéo léo, người lao động dễ bị lâm vào những tình thế dở khóc dở cười và nghiêm trọng hơn là bị sa thải.
Các nhà tuyển dụng thường khuyên nhân viên khi đề nghị đến chuyện vốn "tế nhị" này trong giới văn phòng là phải luôn cẩn trọng. Tốt hơn hết, nhân viên hãy khẳng định được vị trí của mình trước khi nghĩ đến chuyện đề xuất tăng lương.
Theo Thu Phong (Khám phá)
Ái ngại nhân viên ăn vặt chốn công sở
Ăn vặt được xem là thú vui của giới văn phòng, vừa giải tỏa sự nhàm chán nơi công sở vừa cung cấp thêm năng lượng. Nếu nhân viên ăn vặt có ý thức thì không có gì chê trách. Tuy nhiên, việc ăn vặt chốn công sở đang dần bị biến tướng, gây ảnh hưởng tiêu cực tới văn hóa công sở.
Hiện nay, các công ty thường đưa ra tiêu chí môi trường làm việc thoải mái, dễ chịu để nhân viên không bị áp lực với công việc. Vì thế, ngoài tuân thủ những quy định của công ty đề ra, nhân viên được tự do làm những việc mình thích. Việc mang đồ ăn nhâm nhi trong giờ làm việc vì thế không bị cấm đoán.
Khi bước vào một văn phòng, người ta không thấy lạ khi thấy sự xuất hiện của những hộp ô mai hay gói khoai, mít sấy trên bàn của một nữ nhân viên hay những gói kẹo lạc, ngô cay trên bàn của một nam nhân viên.
Đâu đó là hình ảnh một nhân viên miệng nhấm nháp thức ăn, còn tay thoăn thoắt đánh máy. Bỗng chốc, thói quen ăn vặt “vô tội vạ”, không có giờ giấc của nhân viên nhanh chóng biến thành một cái chợ ngay trong công ty. Nhân viên cả nam lẫn nữ đều dự trữ cho mình đủ loại lương thực ăn nhanh để giải tỏa lúc “buồn miệng”.
Khi bàn về chuyện ăn vặt nơi công sở, không ít nhân viên cho rằng, đây chỉ là cái thú giúp họ giảm bớt nhàm chán và căng thẳng khi làm việc. Thực chất, ăn uống đối với họ không quan trọng. Không hẳn ai cũng nhận thức được ý nghĩa và mục đích của việc ăn vặt. Một số người thiếu ý thức, biến thói quen dân dã thành một việc làm thái quá, ảnh hưởng văn hóa chung của cả doanh nghiệp.
Đình Huệ (Quảng Ninh) chia sẻ ấn tượng về cô bạn đồng nghiệp cùng phòng có sở thích ăn vặt “có một không hai”. Phòng kinh doanh của Huệ có tất thảy 7 người và mình Hà là con gái. Hà luôn mặc định rằng “mình là một, là duy nhất” nên rất hay phách lối. Ngày nào đến chỗ làm, nàng ta cũng chuẩn bị chu đáo cho mình đủ những món ăn vặt. Trong giờ làm, Hà bỏ ra ăn tự nhiên, không mời chào ai.
Ăn uống lúc nào cũng phát ra những tiếng động thiếu tế nhị gây phiền cho người khác. Chưa hết, Hà còn là cô gái bừa bãi đến mất vệ sinh khiến mọi người trong phòng ai cũng phải lắc đầu ngao ngán. Nhiều lần, vì vội về mà Hà để lại cả một bãi chiến trường toàn vỏ hướng dương, vỏ kẹo khiến lũ kiến bâu đen đỏ trên bàn làm việc. Dù bị nhắc nhở nhiều lần, Hà vẫn chứng nào tật đó.
Cơ quan Ly là cơ quan hành chính nhà nước, nhân viên không bị bó buộc bởi những quy định khắt khe, không cấm ăn uống tại nơi làm việc. Công việc hàng ngày ít mà đông người, nên nhân viên chỉ làm túc tắc cho xong.
Vì thế, có nhiều thời gian rảnh rỗi, mọi người thường hay lạm dụng thời gian công để làm việc cá nhân. Đám đàn ông cà kê câu chuyện ở quán trà đá đầu hẻm, còn chị em mua đồ ăn vặt về công ty “vừa thưởng thức vừa chém gió”. Mỗi ngày một thực đơn khác nhau, mùa nào thức đó đủ cả.
Đồ ăn mua về ăn giữa giờ toàn là những loại thực phẩm gây mùi. Nhiều hôm, văn phòng công ty nồng nặc mùi mít chín hay mùi chè sầu riêng khó ngửi. Dù tắt điều hòa, các cánh cửa phòng được mở tung, mùi vẫn không bay hết.
Ly kể, có lần mấy chị em đang hí hửng gọt cam ăn, đột ngột cấp trên vào phòng. Lúng túng, mỗi người một tay nhanh chóng xử lý đống đồ ăn nhưng vỏ cam vẫn tỏa mùi… Cấp trên ngao ngán nhìn nhân viên, đám chị em đủ một phen khiếp vía và tự đúc rút kinh nghiệm cho những lần sau.
Bên cạnh những tồn tại đang diễn ra, ở một số nơi khác, việc ăn vặt đã được nâng lên thành nét văn hóa. Thanh Hằng (nhân viên công ty truyền thông tại Hà Nội) cho biết, mặc dù đã làm ở nhiều nơi nhưng Hằng vẫn thích công ty hiện tại nhất. Nơi đây, mọi người ý thức trong từng việc làm và cách ứng xử.
Ngay chuyện ăn vặt – tưởng chừng là thói cần bài trừ nơi công sở, công ty của cô không hề cấm. Ngược lại, sếp cho nhân viên 20 phút giữa buổi giải lao ra ban công ăn uống để giải tỏa stress. Do đó, văn phòng công ty luôn luôn sạch sẽ, nhân viên giữ được tinh thần thoải mái làm việc. Về nguồn thực phẩm dĩ nhiên do các nhân viên tự cung tự cấp. Vì thế, sau mỗi kỳ lương, mọi người thường trích ra một khoản nhỏ xung quỹ để tiền mua đồ ăn vặt hàng ngày.
Thế nhưng không phải sếp nào cũng dễ dãi và đồng ý cho nhân viên mình vừa ăn vừa làm. Hiện nay nhiều công ty nghiêm ngặt trong việc cho nhân viên ăn uống trong giờ làm việc. Họ cho rằng, khi nhân viên tập trung vào ăn vặt họ sẽ xao nhãng với công việc dẫn đến hiệu suất kém.
Một số người quản lý khẳng định, việc để nhân viên nhấm nháp trong giờ làm việc là không đáng hoan nghênh, ngược lại ảnh hưởng đến sự chuyên nghiệp của nhân viên, cũng như môi trường chung công sở.
THEO TRÍ THỨC TRẺ
0 nhận xét:
Đăng nhận xét